Sinh viên mới ra trường cần làm gì để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng

Ngày nay cùng với sự hội nhập sâu rộng kinh tế Việt Nam với khu vực và quốc tế thì cơ hội việc làm của người lao động được mở rộng khá nhiều nhưng đồng thời người lao động cũng phải đối mặt thách thức cạnh tranh người lao động trong khu vực và nước ngoài. Trong đó người lao động có kinh nghiệm chất lượng cao luôn được các công ty săn đón với mức lương cao, đãi ngộ tốt, tạo môi trường phát triển... Nhưng với sinh viên ra trường thì sao, khi chưa có kinh nghiệm làm việc, chưa được cọ sát thực tế để nâng cao chuyên môn thì làm thế nào gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ một số quan điểm và tư tưởng để giúp bạn, những sinh viên mới ra trường có định hướng để có 1 công việc tốt hơn.

Chắc các bạn đã đều biết doanh nghiệp là 1 tổ chức kinh doanh hướng tới mục tiêu duy nhất là có lợi nhuận. Để doanh nghiệp vận hành trơn tru có hiệu quả thì vấn đề nhân sự luôn được các công ty, chủ doanh nghiệp rất chú trọng.

Quan điểm đầu tiên mà mình muốn chia sẻ cho các bạn đó là doanh nghiệp không phải là nơi làm "từ thiện", hay nói cụ thể hơn doanh nghiệp không có trách nhiệm phải đào tạo sinh viên mới ra trường thành một nhân viên làm được việc. Việc trau dồi kinh nghiệm, nâng cấp kỹ năng thì nghĩa vụ và trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về người lao động. Tại sao mình lại nói như vậy? Bạn tiếp tục đọc nhé.

Hiểu về mối quan hệ doanh nghiệp và người lao động:

Nếu coi sức lao động là 1 sản phẩm của người lao động cung cấp cho doanh nghiệp thì chất lượng sản phẩm càng cao càng có giá trị thì giá cả nhận được (lương) càng cao và ngược lại. Điều này đúng với quy luật giá trị của thị trường: giá cả xoay quanh giá trị, giá trị càng cao thì giá cả cũng càng cao và ngược lại. Nên việc gia tăng giá trị sản phẩm (chất lượng của sức lao động) là công việc của bên bán (người lao động) chứ không phải bên mua (doanh nghiệp). 

Vậy tại sao một số doanh nghiệp vẫn có chính sách tuyển thực tập viên? Đây là chiến lược tuyển dụng lâu dài của doanh nghiệp có tên "đãi cát tìm vàng". Có 2 cách doanh nghiệp có thể thu hồi tiền mình bỏ ra:
- Cách 1 là sẽ có điều khoản ràng buộc khi thực tập viên trở thành nhân viên chính thức. Ví dụ làm ít nhất 2 năm mới được nhảy công ty mới (thu hồi lâu dài).
- Cách 2 là nhân viên làm được việc như nhân viên chính thức nhưng trả lương bằng thực tập. Nó cũng giống như "lấy mỡ nó dán nó" vậy.
Vậy người lao động nhận được gì? Chí có 2 chữ thôi: kinh nghiệm. Và bạn cũng thấy thực tế rằng không có bữa ăn trưa nào miễn phí ở đây cả. Doanh nghiệp nhận thực tập là chấp nhận lo chỗ làm việc, tiền điện nước, thuê văn phòng...rồi cắt cử người đào tạo, mất thời gian công sức đào tạo...Tất cả các mục này đều tính vào chi phí doanh nghiệp hết và nếu doanh nghiệp không thu hồi khoản này thì khác gì lấy đá ném chân mình (nên nhớ mục tiêu cuối cùng của DN là lợi nhuận), trong khi thương trường như chiến trường, cạnh tranh rất khốc liệt. Không những thế, doanh nghiệp còn phải chấp nhận rủi ro là đào tạo được nhân viên làm được việc thì nó "bay mất".

Hiểu về mâu thuẫn người mua - người bán:

Như mình đã chia sẻ ở trên thì người lao động bán "sức lao động" cho doanh nghiệp để đổi lấy tiền lương. Trong vai trò người bán và người mua thì người bán luôn muốn bán giá cao còn người mua luôn muốn mua giá thấp. Hay nói cách khác, người lao động muốn lương cao, ít phải làm việc còn doanh nghiệp muốn lương thấp và người lao động làm việc nhiều. Bạn hiểu mâu thuẫn này để "thông cảm" cả 2 bên, cân nhắc quyền lợi mình nhận được từ DN (mức lương, chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc...) mà tích cực công hiến cũng như cân nhắc quyết định nhảy việc nêu cảm thấy mức lương DN chi trả không tương xứng...

Insight (mong muốn) của người lao động và doanh nghiệp tuyển dụng: 

Đóng vai trò là người lao động, insight người lao động thông thường là:
    - Mong muốn làm việc doanh nghiệp ổn định, có tài chính vững mạnh
    - Được trả lương cao, đãi ngộ tốt, môi trường phát triển lành mạnh
    - Gần nhà, thuận tiện đi lại, nhất là các bạn nữ: sau khi lấy chồng còn sinh con đẻ cái, mà đẻ xong bận con nhỏ, bù đầu rối tóc 1 thời gian nên nhảy việc khá gian nan, do đó ổn định công việc càng sớm càng tốt.

Đóng vai trò là doanh nghiệp tuyển dụng thì mong muốn của họ là tuyển được nhân viên có năng lực, làm được việc ngay (làm càng nhiều càng tốt), lương (chi phí) bỏ ra thấp và gắn bó lâu dài (nếu có thể). Do đó có 2 kiểu nhân sự DN muốn tuyển:
- 1 là có kinh nghiệm thực chiến, làm được việc ngay, đồng nghĩa với DN sẽ trả lương cao tương ứng.
- 2 là chưa có kinh nghiệm nhưng có nền tảng tốt (thể hiện ở quá trình học tập: bảng điểm, hoạt động ở trường), có thể đào tạo được (thể hiện thái độ ngoan, chịu khó, nhanh nhạy, cầu tiến học hỏi). Đây là hầu hết các bạn sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm. Cho nên trong CV hoặc trong phỏng vần bạn cần thể hiện sao cho đủ tiêu chuẩn trên. Bạn có thể show ra các kinh nghiệm liên quan đến công việc xin thực tập.

Ví dụ: Xin vào vị trí lập trình, show ra kinh nghiệm thời sinh viên đã làm dự án nào, đã thực tập ở công ty nào hoặc nhận job nào, show bằng chứng ra. Nhớ là kinh nghiệm liên quan nhé, chứ xin vị trí lập trình mà show kinh nghiệm bán hàng là không ổn.

Đồng thời thái độ cầu thị, tác phong chuyên nghiệp: Đến đúng giờ, ăn nói lễ phép, CV chuyên nghiệp thì sẽ gia tăng đáng kể cơ hội xin việc. Trường hợp xấu nhất là không xin được việc thì bạn cũng có thể yêu cầu DN thực tập không lương tại công ty để được trải nghiệm công việc thực tế, quan trọng hơn là cơ hội tìm người anh, người thầy có thể "truyền nghề" cho mình. Đây là cách nhanh nhất để bạn thích ứng được với công việc, mau chóng trở thành nhân viên chính thức.

Chia sẻ một số kinh nghiệm cho các bạn mới đi xin việc:

    + Tìm hiểu DN kỹ: Tiềm năng kinh tế, quy mô, lĩnh vực hoạt động, lịch sử hình thành, giá trị cốt lõi, có phốt gì không... Để khi phỏng vấn nếu nhà tuyển dụng có hỏi câu như "em đã tìm hiểu về công ty chưa" thì trả lời để họ biết mình có tìm hiểu công ty, cũng là tôn trọng họ. Mặt khác việc tìm hiểu kỹ công ty giúp bạn cân nhắc các yếu tố trên để có xác định công ty có ổn không (tiềm lực tài chính, môi trường phát triển...) để còn gắn bó lâu dài.
    + Trước khi đàm phán lương, bạn có thể tham khảo lương trung bình ở vị trí tương đương: Bằng cách tham khảo các trang tuyển dụng như topcv, vietnamwork...với vị trí đó xem mức lương dao động từ bao nhiêu đến bao nhiêu và yêu cầu công việc là gì để có hướng phát triển nghề nghiệp
    + Marketing bản thân tốt (đặc biệt là thương hiệu cá nhân): Show năng lực, kinh nghiệm mình ra trên CV, tối ưu nick facebook cá nhân...Việc DN chủ động tìm đến bạn cũng sẽ giúp bạn một phần có vị thế tốt hơn là đi nộp hồ sơ xin việc. Lúc này DN đang ở trạng thái "nóng" hoặc "ấm" hay "vã" lắm rồi, việc của bạn là tự tin đi phỏng vấn, ăn nói trôi chảy, thể hiện được trình độ "thượng thừa", nói được làm được thì cơ hội trúng tuyển sẽ rất cao đấy.
    + Luôn nâng cao giá trị bản thân: Để sức lao động mình cung cấp ra là chất lượng nhất, đủ các kỹ năng full khiến DN khao khát muốn sở hữu. Bạn có thể trau dồi thông qua đọc sách, tham gia các group chất lượng trên facebook, zalo... hoặc là tham gia các khóa học chất lượng do chuyên gia giảng dạy. Hiện nay trên website FullStackPHPDev có 2 kỹ năng mà bạn được đào tạo một cách bài bản và chuyên sâu là Kỹ năng lập trình web PHP và Kỹ năng marketing online (tổng quan, SEO, viết content, landingpage...). Những kiến thức bạn được học là kiến thức thực tế, áp dụng ngay trong công việc nên đừng bỏ qua cơ hội quý giá này nhé!
    + Khi làm việc phải thể hiện mình là con người có năng lực, chủ động trong công việc và luôn cầu tiến (sẵn sàng làm thêm, học hỏi thêm), điều này sẽ "ghi điểm" lâu dài với DN.
    + Nếu bạn còn băn khoăn chưa biết mình phù hợp nhất với công việc nào, hãy thử trắc nghiệm MBTI sau:
        https://www.topcv.vn/trac-nghiem-tinh-cach-mbti

Kết luận:
Qua bài viết này bạn đã phần nào hiểu được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nhân sự, insight mong muốn của 2 bên, cũng như một số chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn mới đi xin việc. Hy vọng bài viết này giúp ích cho bạn!