Làm sao đọc sách, đọc tài liệu hiệu quả hơn?

Từ ngày xưa đến ngày nay, sách vẫn luôn là những tài liệu quý giá, lưu giữ các kiến thức, kinh nghiệm, trải nghiệm của nhân loại. Nên việc đọc sách rất quan trọng giúp bạn mở mang đầu óc, học hỏi được nhiều điều hay, nhanh chóng tiến bộ thần tốc. Nhất là trong thời buổi ngày nay khi sự bùng nổ về công nghệ, thời đại thông tin nhanh nhạy thì tốc độ bạn phát triển bản thân sẽ quyết định bạn là ai, có được thành công hay không. Biết việc đọc sách quan trọng như vậy nhưng làm sao để đọc sách hiệu quả, tiết kiệm thời gian, không bị tình trạng đọc trước quên sau, áp dụng được kiến thức từ sách vào thực tế thì không phải ai cũng làm được. Bài viết sau đây sẽ chia sẻ một số kinh nghiệm đọc sách mà mình đã đúc rút ra được. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn.

Kinh nghiệm 1: Trước khi đọc sách hãy hỏi chuyên gia trước tiên

Như bạn đã biết thì chuyên gia là những người có chuyên môn cao, có bề dày kinh nghiệm làm việc ở một lĩnh vực nào đó nên nhưng ý kiến của chuyên gia thường chính xác và đáng tin cậy. Cho nên trước khi đọc sách để tìm câu trả lời thỏa đáng thì trước đó (nếu có thể) bạn nên hỏi ý kiến của chuyên gia trước. Điều này sẽ giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thời gian và công sức để giải quyết được vấn đề mà mình gặp. Đương nhiên để chuyên gia trả lời thì bạn sẽ mất 1 khoản phí nhỏ nào đấy, nhưng khoản phí đó sẽ không là gì so với thời gian và hiệu quả lời khuyên họ đem lại.

Còn nếu bạn muốn tìm hiểu 1 lĩnh vực hoặc trau dồi kỹ năng nào đó một cách nghiêm túc thì việc hỏi chuyên gia cũng có rất nhiều lợi ích. Lợi ích đầu tiên là họ sẽ tư vấn cho bạn lộ trình phát triển và các đầu sách cần đọc. Có được lộ trình phát triển thì giống như bạn có tấm bản đồ trong tay vậy, hướng đi của bạn sẽ rõ ràng hơn rất nhiều, bạn sẽ không bị đi lạc đường và đến được đích sớm.

Một thứ quan trọng không kém là các đầu sách cần đọc. Thông thường các chuyên gia sẽ liệt kê cho bạn các đầu sách được sắp xếp từ dễ đến khó, từ cơ bản đến nâng cao để bạn dễ dàng đi từng bước từng bước một, tránh tình trạng "ngộp chữ" đọc không biết gì. Không những vậy, việc có chuyên gia đồng hành sẽ giúp bạn giải đáp được các thắc mắc, câu hỏi trong quá trình học hỏi. Cho nên việc làm quen và có được sự tư vấn của chuyên gia là rất quan trọng.

Kinh nghiệm 2: Từ đọc chậm đến đọc nhanh, từ mỏng đến dầy và từ dầy đến mỏng

Như mình đã trình bày ở trên thì các chuyên gia sẽ tư vấn cho bạn các đầu mục sách cần đọc từ cơ bản đến nâng cao và việc của bạn là đọc từng quyển sách này. Sau đây là một số lưu ý sẽ giúp bạn đọc hiệu quả hơn khi đọc cụ thể 1 quyển sách:
- Đọc tập trung vào từ khóa: Nếu bạn đã từng đọc quyển sách "Tôi tài giỏi bạn cũng thế" của tác giả ADAM KHOO thì bạn biết rằng trong tài liệu 20% là từ khóa chứa thông tin còn 80% là các từ giải thích giải nghĩa, tức là chúng ta chỉ cần đọc 20% là cũng có thể hòm hòm hiểu được nội dung của câu rồi.

Và việc của bạn là đọc tập trung vào các từ khóa này (gạch chân hoặc dùng bút highlight) rồi tổng hợp thành mindmap - sơ đồ tư duy (trong quyển sách "Tôi tài giỏi bạn cũng thế" cũng đề cập cách tạo ra 1 mindmap như thế nào). Ví dụ câu sau: Bạn hãy thử nghĩ xem, 90% các môn học chúng ta học trong trường là những môn học thiên về não trái. Thì các keyword ở đây là "90%", "môn học", "thiên não trái" thì cả câu trên tóm lược lại là "90% môn học thiên não trái" sẽ ngắn gọn hơn rất nhiều so với nguyên bản.

- Đọc chậm, rõ ý với quyển sách cơ bản. Sai lầm thường gặp của các bạn là đọc rất nhanh, đọc ngấu nghiến, có bạn còn tự hào là trong 1 tuần đọc cuốn sách dày vài trăm trang nhưng khi hỏi lại thì họ học được cái gì, nhớ được bao nhiêu phần trăm thì chưa chắc đã nhớ được nội dung chính của quyển sách. Nên lời khuyên của mình dành cho các bạn, nhất là các bạn mới tìm hiểu 1 lĩnh vực nào đó là hãy đọc chậm lại, đọc đâu hiểu đó.

Khi đọc bạn sẽ gặp những vấn đề khó hiểu chưa rõ nghĩa thì 1 là hỏi ngay chuyên gia 2 là lên google search để tìm hiểu thêm, tránh để nó lờ mờ không hiểu. Nếu không càng về sau thì cái lờ mờ kia càng to đùng cản trở việc bạn tiến bộ vì kiến thức nọ liên quan đến kiến thức kia, 1 cái không rõ nghĩa sẽ kéo theo hàng loạt những thứ không rõ nghĩa nên cách tốt nhất là triệt tiêu nó ngay từ đầu cho nó lành.

Tiếp theo khi bạn có nền tảng kiến thức cơ bản rồi thì đến lúc bạn tăng tốc độ đọc của mình lên. Tăng tốc bằng cách nào? Đó là khi đọc các kiến thức mà mình đã nắm rõ rồi thì có thể nhanh chóng bỏ qua đọc sang đoạn tiếp theo, nếu đoạn tiếp theo là kiến thức mới thì ta lại đọc chậm lại, suy nghĩ và tổng hợp nó vào trong sơ đồ mindmap thì như vậy bạn sẽ không bỏ sót bất kỳ kiến thức nào, kiến thức vững vàng và toàn diện. Đó mới là cách đọc sách hiệu quả mà mình muốn chia sẻ cho các bạn.

Kinh nghiệm 3: Đọc xong hãy tổng hợp ghi chép kiến thức mình học được và ôn tập thường xuyên

Đây là thói quen tốt giúp bạn có 1 bản ghi chép để xem lại sau này. Một trong các công cụ mạnh mẽ để tổng hợp là sử dụng mindmap hay còn gọi là bản đồ tư duy. Bạn sẽ dùng từ khóa và cây bút màu vẽ thành bản đồ tư duy. Dựa vào tấm bản đồ này bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về kiến thức đã học một cách hệ thống và cái hay nhất của mindmap là bạn có thể nhìn thấy "logic phát triển" của kiến thức, từ đó có thể thấy các vùng kiến thức còn chưa rõ ràng, từ đó đào sâu thêm. Đôi lúc bạn sẽ ngạc nhiên vì nhận ra những thiếu xót mà không có quyển sách nào đề cập, tự trả lời cho mình những câu hỏi khó.

Để nhớ lâu nhớ dai các kiến thức mình đã học thì bạn có nên thường xuyên ôn tập nó. Thời điểm ôn tập tốt nhất là sau khi 15 phút sau khi học xong 1 kiến thức, bạn hồi tưởng nhớ lại những thứ vừa qua, giống như các cụ có câu "học bài nào xào bài ấy" vậy. Thời điểm ôn tập tiếp theo là sau 1 tuần, 1 tháng, 6 tháng và đôi lúc bạn cũng lên "chiêm nghiệm" để hiểu nó một cách thấu đáo nhất!

Kinh nghiệm 4: Tư duy phản biện quyết định chất lượng đọc sách của bạn, và cũng đừng vội tin những gì sách nói.

Sách bản chất là lưu trữ thông tin, những quan điểm, kiến thức, trải nghiệm của tác giả nên bạn cần cân nhắc những thứ mình sẽ hấp nạp vào. Cho nên tư duy phản biện có chính kiến bản thân là rất quan trọng. Nhất là cần suy nghĩ thật kỹ những thứ liên quan quan điểm, tư tưởng, vì tư tưởng ảnh hưởng rất lớn đến hành động và suy nghĩ của 1 con người. 

Ví dụ bạn đọc đến 1 phần quan điểm nhưng đừng vội cho nó là đúng, hãy suy nghĩ 1 chút xem nó hợp lý không, có phù hợp với thời đại ta đang sống không. Sách có vô vàn loại, thượng vàng hạ cám nên cần cân nhắc đọc quyển nào, đọc như nào là rất quan trọng. Lời khuyên của mình là bạn nên đọc các quyển sách kinh điển, có uy tín, được nhiều người kiểm chứng, được chuyên gia tư vấn thì sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều.

Kinh nghiệm 5: Đọc sách sẽ là vô dụng nếu không áp dụng thực tế

Do đó sau khi đọc xong cuốn sách nào bạn hãy ngẫm lại mình học được những gì và nên áp dụng vào cuộc sống như thế nào. Có như vậy thì công cuộc đọc sách mới thực sự có ý nghĩa, giúp bạn tiến bộ hơn mỗi ngày.