Bài 3 - Quy trình thiết kế 1 website ở công ty lập trình diễn ra như thế nào?

Ngày nay trên thị trường có khá nhiều công ty chuyên thiết kế website nên việc tìm hiểu quy trình tổng quát thiết kế 1 website sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quát về các đầu mục công việc và hiểu hơn về báo giá của các công ty này.

Về cơ bản thì để 1 website thành hình sẽ trải qua 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng website và giai đoạn 2 là phát triển nội dung, SEO web. Giai đoạn 1 là xây dựng website được trải qua quy trình như sau:

Bước 1: Nhân viên sale tiếp nhận yêu cầu từ khách hàng và tư vấn khách hàng các chức năng của website:

Các thông tin cơ bản cần biết bao gồm:
- Yêu cầu loại website là gì? Dạng website bán hàng, tin tức hay website quản trị doanh nghiệp...
- Thông tin về ngân sách khách hàng có thể chi trả và dead line hoàn thành website
-  Nhân viên sale sẽ ghi chép các tính năng cũng như các loại nghiệp vụ để có cơ sở trao đổi với đội ngũ kỹ thuật xem có làm được không và làm với giá bao nhiêu cũng như ghi chép các ghi chú khác thuộc yêu cầu của khách (ví dụ phải tối ưu thiết bị di động, tốc độ tải trang >80%...). Đôi khi với webite khó thì nhân viên tư vấn lại thuộc team kỹ thuật chứ không phải sale vì chỉ có họ mới hiểu thực sự hiểu rõ công nghệ và tính khả thi của chức năng.
- Sau đó nhân viên sale sẽ báo giá lại cho khách và giải thích các điều khoản hợp đồng (nếu cần). Thường thì trong 1 hợp đồng thiết kế website sẽ có thông tin: Thông tin liên hệ bên A (khách hàng), bên B (doanh nghiệp), mô tả chức năng + báo giá, điều khoản thanh toán (tổng số tiền, đặt cọc bao nhiêu %), thời gian hoàn thiện (deadline), chính sách hỗ trợ và các điều khoản khác...Sau khi khách chốt đặt cọc thì sẽ đến bước tiếp theo.

Bước 2: Nhân viên thiết kế (designer) lên giao diện cho khách hàng duyệt:

- Trường hợp khách yêu cầu có 1 giao diện riêng thì sẽ cần nhân viên thiết kế dựng giao diện (layout) tất cả các trang như giao diện trang chủ, giao diện giỏ hàng, giao diện chi tiết sản phẩm, giao diện danh sách sản phẩm, giao diện chi tiết tin tức... Lúc này nhân viên thiết kế sẽ sử dụng các phần mềm thiết kế như Adobe Photoshop (dựng giao diện, tạo ảnh...), Adobe Illustrator (tạo logo, icon...) để tạo bản thiết kế đẹp mắt, đúng ý khách hàng.
- Khách hàng chốt duyệt các giao diện thì các file thiết kế này (file photoshop, ảnh, icon...) này sẽ được gửi cho lập trình viên front-end dựng giao diện.

Bước 3: Lập trình viên front-end tiến hành dựng "web tĩnh" trên cơ sở layout của nhân viên thiết kế. Họ sử dụng các kiến thức về html-css-js, photoshop (đo kích thước, cắt ảnh...) và bàn giao các file html tĩnh cho lập trình viên back-end xử lý tiếp.

Bước 4: Lập trình viên back-end xây dựng website demo:
Dựa vào yêu cầu trong hợp đồng + bộ file front-end thì nhân viên lập trình backend tiến hành xây dựng website demo. Công việc của họ bao gồm:
- Phân tích thiết kế hệ thống, phân tích thiết kế cơ sở dữ liệu dựa trên bản mô tả nghiệp vụ mà nhân viên sale đã chốt với khách hàng
- Lập trình các chức năng (viết code): Họ sẽ sử dụng ngôn ngữ lập trình như PHP, C#, Java...cũng như hệ quản trị cơ sở dữ liệu nào đấy (MySQL, PostgreSQL...) để xây dựng website demo

Bước 5: Test chức năng trước khi bàn giao cho khách hàng:
Trước khi gửi website demo cho khách hàng thì nhân viên tester tiến hành rà soát chức năng một lượt, phản hồi các lỗi phát sinh cho lập trình viên back-end để họ sửa. Sau đấy thì khách hàng cũng sẽ test 1 lượt xem đúng ý của họ chưa (giao diện và chức năng), phản hồi các yêu cầu phát sinh để các bên tiến hành chỉnh sửa. Nếu mọi thứ suôn sẻ thì sẽ đến bước bàn giao website cho khách hàng.

Bước 6: Bàn giao website cho khách hàng:
Nhân viên back-end sẽ upload lên hosting và trỏ tên miền về hosting để chính thức khai sinh website trên internet, đồng thời viết bản mô tả hướng dẫn sử dụng phần mềm cho khách hàng.

Bước 7: Bảo trì, nâng cấp chức năng, fix lỗi (nếu có):
Trường hợp khách hàng muốn nâng cấp chức năng hoặc thay đổi giao diện thì sẽ trao đổi yêu cầu với nhân viên chăm sóc khách hàng để họ báo giá chi phí update. Mặt khác, nhân viên quản lý hạ tầng phần cứng (quản lý server, hosting...) và nhân viên lập trình backend sẽ xử lý các vấn đề như web lỗi, web bị tấn công (ví dụ bị DDOS) để đảm bảo website hoạt động ổn định, không phát sinh lỗi. 

Như vậy là kết thúc giai đoạn 1 là "khai sinh" website lên môi trường internet để mọi người đều có thể truy cập vào. Tuy nhiên để website có nhiều nội dung hấp dẫn, thu hút người đọc cũng như đảm bảo website hoạt động marketing hiệu quả thì giai đoạn 2 - phát triển nội dung và SEO website cũng vô cùng quan trọng. Công việc này thường được đảm nhiệm bởi phòng ban marketing với các nhân sự như:
- Nhân viên viết bài (Copywriter) sẽ viết content giới thiệu công ty, giới thiệu sản phẩm (tính năng lợi ích) cũng như viết các bài chia sẻ hữu ích để tăng tương tác người đọc.
- Nhân viên SEO (SEOer): Kết hợp với nhân viên viết bài để sửa bài viết sao cho chuẩn SEO (tức là làm sao cho con bot thu thập Google dễ index cấu trúc web nhất), cũng như lồng ghép các từ khóa (keyword) vào bài viết, xây dựng internal link (liên kết nội bộ website) và xây dựng backlink (liên kết ngoài) để làm sao đẩy top từ khóa tìm kiếm lên Google, Bing...Từ đó khi người dùng search từ khóa thì sẽ dễ dàng tiếp cận website hơn, cũng như gián tiếp tăng doanh thu bán hàng cho doanh nghiệp (khách hàng càng vào nhiều thì tỷ lệ chuyển đổi đơn hàng càng cao).
- Nhân viên sản xuất video (Video Editor): Nhiệm vụ chính của nhân viên này là tạo ra các video chất lượng, thu hút khách hàng khi ghé thăm. Các loại video thường gặp là video giới thiệu công ty, video hướng dẫn sử dụng sản phẩm, video review sản phẩm, video so sánh sản phẩm...Việc có video trong website sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin hơn (người dùng thích xem hơn là đọc), cũng như góp phần trong chiến lược marketing đa kênh cho doanh nghiệp (ví dụ các video này upload lên kênh Youtube cũng tạo ra kênh marketing khác cho doanh nghiệp)
Nhân viên chạy quảng cáo Google Ads, Facebook Ads...Các nhân viên này sẽ lên các chiến dịch quảng cáo với ngân sách và mục tiêu cụ thể, đồng thời họ tiến hành chạy quảng cáo và thực hiện công tác đo lường hiệu quả (tiếp cận bao nhiêu người, bao nhiêu người tương tác (like, share, comment) để có phương án điều chỉnh phù hợp.

Tùy vào mục đích của chiến dịch: Mong muốn nhận diện thương hiệu doanh nghiệp hay bán hàng sản phẩm mà cách thức chạy quảng cáo sẽ khác nhau. Việc chạy quảng cáo sẽ tốn tiền của doanh nghiệp nhưng bù lại sẽ có đơn hàng ngay. Thông thường với doanh nghiệp mới thành lập thì sẽ ưu tiên chạy quảng cáo để nhận diện thương hiệu, kéo người dùng về (điều này cũng tốt cho SEO) và về lâu dài sẽ cân đối giữa việc chạy quảng cáo hay đầu tư SEO.

Ngoài các nhân viên ở trên thì sẽ còn xuất hiện các thành viên khác như trưởng quản lý dự án (điều phối phân công nhân sự join vào dự án cũng như đảm báo tiến độ hoàn thành các đầu mục công việc) hay như trưởng phòng marketing (tiến hành điều phối nhân viên thuộc phòng ban của mình để tiến hành triển khai chiến dịch marketing đa kênh).

Kết luận: 

Như vậy thông qua bài viết này bạn đã hiểu hơn về quy trình thiết kế 1 website từ lúc lên ý tưởng đến lúc thành "hình hài" trên internet. Việc tạo ra website bài bản tốn nhiều công sức và tiền bạc tuy nhiên việc có 1 website sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng tiềm năng trên internet 24/7 (với website giới thiệu sản phẩm dịch vụ) hoặc tăng hiệu suất làm việc (với website quản lý). Hy vọng bài viết giúp ích cho bạn, hẹn gặp lại bạn trong các bài viết tiếp theo!

Tác giả: Admin