Bài 1.1 - Các khái niệm cơ bản liên quan đến lập trình

Lập trình là gì?

Lập trình (Programming) có thể hiểu đơn giản là việc viết (lập) ra một chương trình (danh sách các hoạt động) mà máy tính có thể hiểu và thực hiện được.
Lập trình là gì

Tại sao lại phải lập trình?

Trước khi máy tính ra đời, chúng ta thường phải xử lý các dữ liệu bằng tay hoặc thông qua sổ sách. Với các điều kiện hạn chế, khả năng xảy ra sai sót rất lớn, tốc độ xử lý thông tin chậm, khả năng lưu trữ, tìm kiếm hạn chế...

Cùng với sự ra đời của máy tính, chúng ta có thể chuyển giao rất nhiều việc cho máy tính. Tuy nhiên, để có thể "ra lệnh" cho máy tính tự động thực hiện một công việc cụ thể, chúng ta cần phải biết cách sử dụng các câu lệnh mà máy tính có thể hiểu được để điều khiển máy tính làm việc, hay nói cách khác là "lập trình".

Trước khi tiếp tục, chúng ta sẽ làm quen với những khái niệm và thuật ngữ cơ bản liên quan đến lập trình:

  1. Mã hóa (Coding): là việc viết tài liệu theo một cách thức mà một đối tượng nào đó có thể hiểu được. Trong lập trình, khái niệm mã hóa đồng nghĩa với khái niệm lập trình (viết chương trình để máy tính có thể hiểu và thực hiện được).
  2. Lập trình viên (Programmer/coder): Là người viết các chỉ thị (lệnh). Tiếng Anh có nghĩa là Programmer. Trong lập trình, khái niệm lập trình nhiều lúc mang ý nghĩa tương đồng với khái niệm mã hóa nên lập trình viên cũng có thể được gọi là Coder (người mã hóa).
  3. Nhà phát triển phần mềm (Developer): Lập trình viên chuyên phát triển các phần mềm, đôi khi được gọi tắt là dev. Trong nhiều trường hợp, các khái niệm Programmer, coder và developer (dev) đều được dùng để ám chỉ một lập trình viên.
  4. Chương trình (Program): Là sản phẩm được lập trình viên tạo ra nhằm giải quyết một bài toán, vấn đề nào đấy. Ví dụ: Chương trình quản lý sách thư viện giúp người thủ thư quản lý được sách của thư viện, hay chương trình soạn thảo MS Word giúp người dùng tạo và chỉnh sửa văn bản...
  5. Mã nguồn (Source code): File chứa mã lệnh của chương trình trước khi được dịch sang ngôn ngữ máy.
  6. Gỡ lỗi (debug): Là việc tìm và sửa lỗi của chương trình.
  7. Ngôn ngữ lập trình (Programming language): Ngôn ngữ được sử dụng để chỉ thị cho máy tính.
  8. Trình biên dịch: Phần mềm dùng để chuyển từ mã nguồn viết trên một ngôn ngữ lập trình cụ thể sang dạng mã mà máy tính có thể hiểu và thực thi được.
  9. Môi trường phát triển tích hợp (Integrated Development Environment - IDE): Là phần mềm tổng hợp được các lập trình viên sử dụng để phát triển phần mềm/ứng dụng, thường bao gồm môi trường soạn thảo mã nguồn chương trình và các công cụ hỗ trợ khác.

Ghi chú: Các bạn cần học thuộc các khái niệm trên. Việc này sẽ giúp bạn dễ dàng tiếp cận với các tài liệu "hổ lốn" trên mạng sau này.

Cuộc sống lập trình viên

Tác giả: Admin