Bài 1 - Khái niệm Mạng internet, IP, Server, Hosting, VPS, Domain, DNS...

Trong bài này bạn sẽ được tìm hiểu các khái niệm cơ bản liên quan đến Internet:

1. Mạng internet là gì? Internet (theo wiki) là một hệ thống thông tin toàn cầu có thể được truy nhập công cộng gồm các mạng máy tính được liên kết với nhau. Hệ thống này truyền thông tin theo kiểu nối chuyển gói dữ liệu (packet switching) dựa trên một giao thức liên mạng đã được chuẩn hóa (giao thức IP). Hiểu đơn giản mạng internet bao gồm rất nhiều máy tính liên kết với nhau và có thể truy cập vào tài nguyên của nhau (ảnh, text...), đồng thời mỗi một máy tính sẽ có địa chỉ IP (có thể là IP4, hoặc IP6).

2. IP là gì? Để định vị các máy tính cá nhân trên mạng, Internet cung cấp địa chỉ IP. Địa chỉ IP được sử dụng bởi cơ sở hạ tầng Internet để hướng các gói internet đến đích của chúng. Có 2 loại IP là IPv4 định nghĩa địa chỉ IP là số 32 bit và IPv6 sử dụng 128 bit cho địa chỉ IP.

3. Server là gì? Máy chủ (Server) là một máy tính được kết nối với mạng máy tính hoặc Internet, có IP tĩnh, có năng lực xử lý cao. Trên đó người ta cài đặt các phần mềm để phục vụ cho các máy tính khác truy cập để yêu cầu cung cấp các dịch vụ và tài nguyên. Máy chủ là nền tảng của mọi dịch vụ trên Internet, bất kỳ một dịch vụ nào trên Internet như Website, ứng dụng, trò chơi,… muốn vận hành cũng đều phải thông qua một máy chủ nào đó.

4. Máy chủ vật lý riêng là gì? (Dedicated Server): Là máy chủ chạy trên phần cứng và các thiết bị hỗ trợ riêng biệt gồm: HDD, CPU, RAM, Card mạng.

5. Máy chủ ảo (VPS) là gì? Là dạng máy chủ được tạo thành bằng phương pháp sử dụng công nghệ ảo hóa để chia tách từ một máy chủ vật lý riêng thành nhiều máy chủ ảo khác nhau. Các máy chủ ảo có tính năng tương tự như máy chủ vật lý đó và chia sẻ tài nguyên từ máy chủ.

6. Máy chủ đám mây (Cloud Server) là gì?: Là máy chủ được kết hợp từ nhiều máy chủ vật lý khác nhau cùng với hệ thống lưu trữ SAN.

7. Hosting là gì? Hosting (hay web hosting) là một dịch vụ online giúp bạn xuất bản website hoặc ứng dụng web lên Internet. Khi bạn đăng ký dịch vụ hosting, tức là bạn thuê một chỗ đặt trên server chứa tất cả các files và dữ liệu cần thiết để website của bạn chạy được.

8. Domain (tên miền) là gì? Tên miền là địa chỉ trang web, thứ mà mọi người gõ vào thanh URL của trình duyệt để truy cập website của bạn. Nói một cách đơn giản, nếu website là một ngôi nhà thì tên miền là địa chỉ của nó. Giải thích chi tiết hơn thì:

Máy tính sử dụng địa chỉ IP (66.249.66.2), là một dãy số. Tuy nhiên, rất khó để con người nhớ các chuỗi số. Do đó, tên miền được phát triển và được sử dụng để xác định các thực thể trên Internet thay vì sử dụng địa chỉ IP. 

Bây giờ, nếu bạn muốn ghé thăm một trang web, bạn không cần phải nhập một chuỗi dài các con số. Thay vào đó, bạn có thể truy cập nó bằng cách nhập tên miền dễ nhớ vào thanh địa chỉ của trình duyệt, ví dụ: fullstackphpdev.com

9. DNS (Domain Name System) là gì?  DNS là hệ thống phân giải tên miền, cho phép thiết lập liên kết giữa một tên miền và một IP của máy chủ, giúp cho người truy cập chỉ cần nhớ các tên miền mà không cần phải quan tâm đến các địa chỉ IP bằng số. Nó giống một danh bạ điện thoại trên Internet. Ví dụ, khi bạn gõ https://phpstep.com trên trình duyệt, hệ thống DNS sẽ chuyển địa chỉ này thành một địa chỉ IP tại nơi mà website của bạn được đặt.

10. Http là gì? HTTP là từ viết tắt của Hyper Text Transfer Protocol nghĩa là Giao thức Truyền tải Siêu Văn Bản được sử dụng trong www (World Wide Web). HTTP là 1 giao thức cho phép tìm nạp tài nguyên, chẳng hạn như HTML doc.

11. Https là gì? HTTPS viết tắt của Hyper Text Transfer Protocol Secure (giao thức truyền tải siêu văn bản bảo mật) là phiên bản an toàn của HTTP, giao thức mà nhờ đó dữ liệu được gửi giữa trình duyệt và trang web bạn đang kết nối. Chữ 'S' ở cuối HTTPS là viết tắt của "Secure" (Bảo mật). Nó có nghĩa là tất cả các giao tiếp giữa trình duyệt và trang web đều được mã hóa. HTTPS thường được sử dụng để bảo vệ các giao dịch trực tuyến có tính bảo mật cao như giao dịch ngân hàng và đặt hàng mua sắm trực tuyến.

12. SSL là gì? SSL là viết tắt của từ Secure Sockets Layer. SSL là tiêu chuẩn của công nghệ bảo mật, truyền thông mã hoá giữa máy chủ Web server và trình duyệt.

13. Website là gì? Website là một tập hợp các trang thông tin có chứa nội dung dạng văn bản, chữ số, âm thanh, hình ảnh, video, v.v... được lưu trữ trên máy chủ (web server) và có thể truy cập từ xa thông qua mạng Internet.

14. Apache là gì? Apache hay là chương trình máy chủ HTTP là một chương trình dành cho máy chủ đối thoại qua giao thức HTTP. Apache chạy trên các hệ điều hành tương tự như Unix, Microsoft Windows, Novell Netware và các hệ điều hành khác. Apache đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của mạng web thế giới.

15. Web tĩnh là gì, web động là gì? Web tĩnh đơn giản là các trang web chỉ bao gồm html, css, javascript. Còn web động là web có sử dụng ngôn ngữ lập trình nào đó như PHP chẳng hạn, có nơi lưu trữ dữ liệu tập trung là cơ sở dữ liệu (database), và người lập trình sẽ sử dụng các câu lệnh để truy xuất dữ liệu hoặc thêm dữ liệu vào.

"Động" ở đây có nghĩa là bạn chỉ cần sửa 1 thông tin thì sau khi refresh trình duyệt thì toàn bộ dữ liệu website sẽ thay đổi theo. Ưu điểm website động là dữ liệu được quản lý tập trung nên chỉ cần sửa 1 chỗ là tất cả các chỗ khác được cập nhật theo. Ví dụ với dữ liệu số điện thoại, địa chỉ...nếu với web tĩnh nếu dữ liệu này nằm ở 10 trang thì bạn phải mò vào 10 trang để sửa, còn web động thì chỉ cần sửa 1 lần là đủ.

Kết luận:

Như vậy thông qua bài viết này bạn đã hiểu được phần nào các khái niệm căn bản thường gặp trên internet. Đây là kiến thức căn bản bổ trợ sẽ giúp ích cho các bạn khi xây dựng 1 website. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.

Tác giả: Admin